Bài viết này, tôi xin gửi tặng đến các bạn đồng nghiệp của tôi tại phòng Điều hành Mạng lưới – Trung tâm Vận hành Khai thác Toàn cầu đang chuẩn bị rời mái nhà ĐHML để đến với đất nước hình ngọn lửa.
Tôi đã đọc ở một cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” những dòng trích dẫn về thời gian: Để hiểu được giá trị của một năm, hãy hỏi một học sinh vừa thi rớt. Để hiểu được giá trị của một tháng, hãy hỏi một bà mẹ sinh non. Để hiểu được giá trị của một tuần, hãy hỏi tổng biên tập của một tờ tuần báo. Để hiểu được giá trị của một giờ, hãy hỏi người yêu nhau đang mong chờ được gặp mặt nhau. Để hiểu được giá trị của một phút, hãy hỏi người vừa trễ tàu. Để hiểu được giá trị của một giây, hãy hỏi một người vừa thoát hiểm trong gang tấc. Để hiểu giá trị của một phần nghìn giây, hãy hỏi chủ nhân của một chiếc huy chương Thế Vận Hội.
Theo như trích dẫn trên, mỗi khoảng thời gian chính là một kỷ niệm khó quên trong đời. Với những người hàng ngày vẫn làm việc bên nhau, tuy có khác chuyên mảng nhưng chúng tôi luôn có những kỷ niệm giống nhau để một lúc nào đó có thể cùng nhớ đến.
Muốn biết một năm dài như thế nào, hãy hỏi những người được danh hiệu Chiến sĩ thi đua, một năm là thời gian mà họ phải phấn đấu hết mình để đạt danh hiệu cao quý ấy. Muốn biết một tháng dài như thế nào, hãy hỏi những người làm dữ liệu ứng cứu thông tin, một tháng làm tổng thế một lần và bao nhiêu lần cập nhật mỗi khi có thay đổi trên mạng lưới.
Muốn biết một tuần dài như thế nào, hãy hỏi những người trực ca, một tuần dài hay ngắn tùy thuộc vào bao nhiêu ca ngày, bao nhiêu ca đêm, được chơi với con bao nhiêu buổi, được ăn cơm cùng gia đình bao nhiêu bữa.
Muốn biết một giờ dài như thế nào, hãy hỏi những người vừa gõ dòng lệnh diagnostic card sau đó hồi hộp chờ thiết bị tự chạy tiến trình tự “chuẩn đoán”. Nếu may mắn thì kết quả sẽ chỉ ra là OK , kém may mắn hơn chút thì sẽ có một card lỗi và thời gian chờ đợi sẽ kéo dài đến khi thay thế xong card, mọi thứ sẽ trở lên tồi tệ khi một loạt các card sẽ cùng lỗi và bạn sẽ biết một đêm dài như thế nào.
Cảm giác hồi hộp khi ngồi chờ thiết bị trả về kết quả thật khó tả, giống như một chàng trai vừa làm gì có lỗi và đang ngồi chờ cô bạn gái khó tính của mình đến để “xử lý” vậy. Hay là như chàng học trò Nobita bị nhiều điểm 0 đang chờ thầy giáo đến nhà để báo với bà Nobi vậy. Tại sao lại có cảm giác hồi hộp vậy ? Vì các kỹ sư Viettel hay kể cả đối tác cũng không dám chắc chắn thiết bị sẽ trả về kết quả gì sau lệnh diagnostic.
Cách giảm thiểu rủi ro mỗi đêm là tận dụng thời gian buổi tối trước thời gian tác động để rà soát lại lỗi, định hình timeline thực hiện và tính toán các phương án có thể xảy ra. Vậy nên muốn biết một tối dài bao lâu, hãy hỏi những người có tác động đêm.
Cùng một kịch bản tác động để sửa cùng một lỗi, các kỹ sư có số giờ “bay” nhiều lại thường thực hiện tinh tế hơn với các kỹ sư có giờ “bay” ít. Sự tinh tế này, những người đi trước có thể “truyền” lại cho những người sau nhưng tùy thuộc vào khả năng tiếp thu hay mức độ chú ý công việc của từng người mà những người đi sau sẽ thu nhận được sự tinh tế này.
Muốn biết một phút dài như thế nào, hãy hỏi những người làm giám sát, chỉ một phút nhanh hơn có thể có hàng chục cảnh báo cùng xuất hiện, phát hiện cảnh báo sớm cảnh báo, phát hiện được thứ tự phát sinh cảnh báo là sẽ xác định được nguyên nhân lỗi từ loại card, thiết bị nào đầu tiên. Chỉ một phút từ khi có thông báo lỗi ở mảng nào đó là tất cả các mảng khác tự động đặt mình vào tình huống phối hợp xử lý.
Khi trực cùng nhau, nếu mảng BSS báo mất xx trạm tại tỉnh Y, lập tức mảng giám sát IP và giám sát truyền dẫn cùng được khởi động guồng máy kiếm tra và xử lý sự cố lớp 1. Chúng tôi gọi đây là hợp đồng tác chiến
Một trong số các phương pháp sửa lỗi hữu dụng được ghi nhớ trong các tài liệu và truyền miệng là “nhất dương chỉ” (reset cứng), nhìn thì tưởng dễ nhưng nhấn nút cũng tùy loại thiết bị và tùy từng trường hợp. Có loại nhấn vào nhả ra luôn, có loại nhấn xong giữ bao nhiêu giây, có loại chờ đèn đổi màu….Vậy nên muốn biết một giây dài bao lâu, hãy hỏi những người phải đếm từng giây khi làm việc với thiết bị.
Khi sửa lỗi card APUB của BSC Ericsson đời APG43, trong tài liệu Alex của đối tác Ericsson có ghi rõ: Nhấn vào nút reset và giữ trong vòng 3s. Hay như ở một vendor khác, muốn đưa một card về cấu hình mặc định, kỹ sư cần nhấn và nhả đúng 1s trong một lần, vừa làm vừa đếm 1,2,3,4,5,6. Đúng 6s trôi qua, card sẽ về reset factory.
Muốn biết một khoảng khắc dài bao nhiêu lâu, hãy hỏi những người đang xử lý sự cố đã hoặc đang có nguy cơ cao ảnh hưởng đến dịch vụ khách hàng. Một quyết định chớp nhoáng để đưa ra một hành động xử lý lỗi nếu thành công sẽ là niềm vui của nhiều người . Nếu thất bại, quãng thời gian tiếp theo sẽ vô cùng nặng nề với mỗi người trong team.
Nghề xử lý sự cố với nhiều rủi ro, sức ép vô hình luôn chờ đón chúng tôi nhưng chúng tôi – những con người đã chọn cho mình cái nghề mà phần lớn không ai muốn làm – luôn cố gắng tìm niềm vui trong công việc. Một trong số niềm vui đó là được chinh phục những khó khăn, chinh phục giới hạn bản thân. Khi một sự cố “khó” qua đi, chúng tôi vỡ òa cảm xúc vì đã làm được một điều gì đó vượt qua giới hạn của bản thân. Đôi lúc sẽ là nỗi buồn vì để sự cố vượt quá thời gian quy định, nhưng những bài học của chúng tôi vừa mới trải qua sẽ được lưu lại và những người đi sau sẽ không còn lặp lại nữa.
Chỉ một vài ngày nữa, một số đồng nghiệp ưu tú của tôi sẽ rời mái nhà chung Điều hành Mạng lưới để đi góp viên gạch hồng xây dựng mạng viễn thông ở đất nước hình ngọn lửa, có người lại chọn cho mình con đường khởi nghiệp ở một nơi khác. Dù có đi đâu, chắc hẳn các đồng nghiệp của tôi sẽ luôn nhớ những kỷ niệm khó quên, những lúc cùng chia ngọt sẻ bùi ở nơi có màn hình lớn và hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á. Những kỷ niệm này cũng chính là món quà quý nhất mà chúng tôi gửi tặng các đồng chí, Chúc các đồng nghiệp của tôi luôn giữ vững bản lĩnh người Viettel dù trong hoàn cảnh nào.