Liệu có một công thức chung để làm nền tảng cho việc cân bằng gia đình – công việc không ? Câu trả lời là “Có” và một phần của việc này có trong cuốn sách “3 phút cho ông bố bận rộn” của tác giả Ota Toshimasa.
Đã bao giờ bạn trải qua những có cảm giác này chưa:
-
Công việc quá bận rộn không có thời gian dành cho con ?
-
Ngay cả khi ở nhà, bạn cũng chẳng biết phải chơi gì với con ?
-
Bạn nghĩ, mình đã làm nhiều thứ cho gia đình mà vẫn không được vợ công nhận ?
Cá nhân tôi, đã có lúc tôi ngồi chơi với con mà không có mẹ được mấy phút, con đã quay ra gọi tìm mẹ hoặc bỏ đi tìm mẹ. Đi làm cả ngày để lo cho mưu sinh của gia đình nhưng về nhà lại bị vợ, thậm chí bố mẹ tôi cũng bảo là không biết chơi với con hoặc không quan tâm đến gia đình. Áp lực công việc lớn, về nhà mà vẫn phải lo cho công việc ở cơ quan chưa hoàn thành hoặc đang có vấn đề gì đó cần hỗ trợ, con chỉ hơi mè nheo tí là quay ra quát con, thế rồi lại thành cãi nhau với vợ. Mang tâm trạng u ám đi làm, hiệu quả công việc cũng sẽ giảm xuống.
Chắc chắn, không phải chỉ có mình tôi đã từng trải qua những vấn đề cân bằng gia đình và công việc như trên. Thậm chí có người còn rơi vào những tình huống tệ hơn là phải đứng giữa lựa chọn gia đình và công việc.
Có cách nào để dễ dàng cân bằng giữa công việc và gia đình không ? Câu trả lời là CÓ vì có nhiều người đã thành công trong việc cân bằng gia đình và cuộc sống. Bí quyết của họ là gì ? “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có thể cùng một bí quyết ở nhà này áp dụng được nhưng ở nhà khác thì lại không thể thành công.
Liệu có một công thức chung để làm nền tảng cho việc cân bằng gia đình – công việc không ? Câu trả lời cũng là Có và một phần của việc này có trong cuốn sách “3 phút cho ông bố bận rộn” của tác giả Ota Toshimasa - một nhà báo chuyên về mảng giáo dục, nuôi dạy trẻ của Nhật Bản.
Cuốn sách này khi mới xuất bản tại Việt Nam vào cuối quý II – 2016, đã nhanh chóng đứng top trong danh sách các cuốn sách được mua nhiều trên các trang bán hàng trực tuyến. Tôi để ý đến cuốn sách này cũng vì hiện tượng “trending” trên và tự đặt cho mình một cuốn sách. Ngay khi cầm cuốn sách trên tay, tôi đã ấn tượng ngay về cách giải thích tại sao lại là 3 phút ở bìa sau cuốn sách “Thời gian dành cho gia đình, lượng không bằng chất nên chỉ 3 phút thôi, nhưng nếu đó là thời gian thực sự có ý nghĩa thì chắc chắn sẽ có những thay đổi”.
Những ông bố bận rộn sẽ khó có thể bỏ ra một quãng thời gian khoảng 2-3h để đọc xong cuốn sách 200 trang nếu như nó không thực sự hấp dẫn, chính vì vậy, tác giả Ota viết cuốn sách “3 phút cho ông bố bận rộn” rất khác biệt, nội dung cuốn sách được tác giả tóm tắt ngay từ phần mở đầu để cho ông bố nào cũng tò mò muốn biết thực sự tác giả sẽ trình bày những gì.
Ở chương một, qua kết quả của các bài trắc nghiệm nhỏ, tác giả chỉ ra người đọc đang là những ông bố thuộc các nhóm nào và thẳng thắn đưa ra những điểm trừ của nhóm người này với gia đình hoặc công việc. Đừng bực tức hoặc cười nhếch mép mà vứt xó cuốn sách này nếu như bạn muốn thực sự thay đổi. Giải pháp thay đổi ở ngay những trang tiếp theo của cuốn sách.
Ở chương hai, đúng như tên gọi “3 giây quyết định! Tuyển tập các câu nói của bố”, tác giả sẽ cung cấp cho các ông bố những câu “thần chú” để các ông bố dùng trong giao tiếp với các con. Con bạn sẽ nghĩ gì khi bạn nói với con: “Mỗi ngày được nhìn thấy con, bố vui lắm”, “Đó là một câu hỏi hay đấy”, “Phần này con làm tốt lắm”,…Khi đọc đến phần này cuốn sách, tôi đã dán một vài câu thần chú vào cuốn sổ ghi chú hàng ngày tôi vẫn mang đi làm. Mỗi ngày khi ngồi trên xe ca đi từ Hòa Lạc về Mỹ Đình, tôi đều mở cuốn sổ đó ra và đọc lại một lượt những câu “thần chú”, lâu ngày tôi dần dần quen với việc giao tiếp với con theo cách mà tác giả đã nói “Truyền tình yêu thương để nâng cao tự tôn của trẻ”
Chương ba, rất nhiều ông bố sẽ được trở lại tuổi thơ, được hồi tưởng lại những trò chơi từ hồi còn bé. Nếu các ông bố cảm thấy thiếu các trò chơi khi chơi với con thì tác giả sẽ cung cấp một “kho” các trò chơi từ đơn giản đến phức tạp: Đấu kiếm bằng giấy báo, ném giấy, đoán tranh, gấp máy bay,… mỗi trò chơi là một cách để phát huy trí tuệ, năng lực của trẻ nhỏ. Nhờ có những gợi ý của tác giả mà tôi và anh con trai tuổi của tôi có thể chơi đấu kiếm bằng 2 tờ giấy A4 hoặc ném những cục giấy vào sọt cả buổi tối không chán.
Trò chơi ném cục giấy với các góc độ, độ cao khác nhau của rổ làm cho trò chơi này có thể kéo dài cả buổi tối mà không chán
Trò chơi lật tranh đơn giản: Chỉ mấy hình con vật được in lên giấy là bố con tôi có thể thi xem ai có trí nhớ tốt hơn
Bằng những que kem bỏ đi, thêm một chút tô vẽ là có một trò giải trí khá vui
Chương bốn: “Siêu tác chiến”. Chương này, dành cho các ông bố thực sự quá bận rộn, một ngày có rất ít thời gian hoặc hoặc thường xuyên đi công tác. Những điều bất ngờ mà các ông bố dành cho con chính là mấu chốt của sự quan tâm.
Thỉnh thoảng, buổi sáng tôi lại gửi cho anh con trai một bức thư với hình vẽ đơn giản mô tả về một vấn đề gì đó, sau đó vợ và con trai tôi sẽ thêm vài hình vẽ nữa để gửi lại cho tôi vào buổi tối.
Chương năm: “Sự phối hợp giữa bố và mẹ để phát triển con cái”. Làm một người chồng tốt cũng quan trọng như làm một ông bố tốt. Sau khi dành 3 phút cho con, hãy dành thêm 3 phút nữa cho vợ.
Cuốn sách được viết qua sự tổng hợp từ các gia đình ở Nhật Bản nên một số vấn đề liên quan đến văn hóa riêng của mỗi quốc gia sẽ là xa lạ với chúng ta nhưng phần lớn các cách giải quyết vấn đề đều có thể áp dụng được trong môi trường gia đình ở Việt Nam. Hy vọng cuốn sách này sẽ gợi ý cho các ông bố Viettel giữ nhịp gia đình, sẽ không phải rơi vào tình huống trở thành “người xa lạ” ngay chính trong tổ ấm của mình.